Xác định công tác đào tạo và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao thu nhập, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị, nông thôn và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, từng bước nâng cao hiệu quả đào tạo và hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất.

Nhờ các hoạt động hỗ trợ của Hội Nông dân, gia đình ông Nguyễn Văn Ninh, xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường) triển khai mô hình nuôi chim cút cho lãi hơn 100 triệu đồng/năm.
 

Anh Nguyễn Duy Tài, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh cho biết: Tập trung thực hiện các nhiệm vụ dạy nghề và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, trung tâm tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về học nghề trước sự phát triển, hội nhập kinh tế; những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương điều tra khảo sát nhu cầu học nghề, trên cơ sở đó đăng ký nhu cầu hàng năm với UBND tỉnh hoặc thực hiện tuyển sinh khi có thông báo phân bổ kinh phí của Trung ương Hội. Tăng cường vận động cán bộ, hội viên nông dân phát huy nội lực, tích cực học tập, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi các mô hình kinh tế nhỏ lẻ, manh mún sang các mô hình sản xuất hàng hoá tập trung, phát triển các loại hình kinh doanh tổng hợp, dịch vụ, chế biến, ngành nghề truyền thống. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Gắn công tác tuyên truyền, vận động với các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập; hướng dẫn nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, liên kết hợp tác trong phát triển kinh tế.

Theo báo cáo, giai đoạn từ 2012-2015, các cấp HND trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ sở dạy nghề, tổ chức đào tạo, tập huấn, dạy nghề cho gần 8.000 lượt người, với các nghề là: Trồng trọt, chăn nuôi, thú y… Sau các khóa học nghề, các học viên đã nắm vững các kiến thức cơ bản để áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao thu nhập. Riêng trong năm 2016, các cấp HND trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp tổ chức gần 1.000 lớp đào tạo, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho trên 60 nghìn lượt người. Nội dung tập huấn tập trung vào hướng dẫn nông dân khai thác sử dụng internet, các kỹ năng sản xuất nông sản sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm… Thông qua các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội nghị tham quan đầu bờ giúp nông dân nâng cao kiến thức, trình độ ứng dụng trong sản xuất đạt hiệu quả cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Ngoài ra, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu đưa con em nông dân đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, HND tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động được Sở LĐTB&XH cấp phép, tổ chức trên 100 buổi tuyên truyền, tư vấn cho gần 10.000 lượt người tham dự, đã có 324 người xuất cảnh.

Bên cạnh đó, hoạt động cung ứng hỗ trợ vốn cho nông dân tiếp tục được triển khai có hiệu quả, với tổng dư nợ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đến nay đạt gần 50 tỷ đồng cho hơn 1.300 hộ vay. Dư nợ ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 700 tỷ đồng, cho hơn 30 nghìn hộ vay. Phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân phát triển sản xuất, từ năm 2012 đến nay đã cung ứng được gần 20 nghìn tấn phân bón các loại. Vận động, hướng dẫn nông dân tham gia các mô hình kinh tế tập thể, hiều mô hình đem lại hiệu quả cao như mô hình nuôi cá lồng trên dòng sông Lô, nuôi thỏ lai Newzeland, trồng cây dược liệu, trồng lúa thảo dược... đẩy mạnh xúc tiến thương mại giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của nông dân Vĩnh Phúc tại các hội chợ, góp phần quảng bá thương hiệu và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả đào tạo và hỗ trợ nông dân sản xuất, HND tỉnh sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện Đề án nâng cao tay nghề cho nông dân theo hướng nông dân dạy nông dân để giảm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả áp dụng vào thực tế sản xuất; triển khai phương án tổ chức trung tâm dịch vụ giới thiệu nông sản phẩm đặc trưng của nông dân Vĩnh Phúc để quảng bá thương hiệu và thu hút khách du lịch; tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, hỗ trợ vốn vay ưu đãi và nhân rộng các mô hình nông nghiệp an toàn, hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Theo: Báo Vĩnh Phúc