Những năm gần đây, trước nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch của người dân, ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức tham gia sản xuất, kinh doanh rau an toàn. Nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT, quy trình trong sản xuất rau an toàn, bước đầu, một số doanh nghiệp đã có những thành công và thương hiệu nhất định cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chỉ quan tâm làm rau an toàn thì chưa đủ mà cần phải kiểm soát chặt chẽ "đầu vào" và "đầu ra" đối với sản phẩm. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp giữ vững thương hiệu của mình.

Thu hoạch dưa lưới ở Công ty VĐ, sản phẩm từng lô hàng sẽ được kiểm nghiệm, đảm bảo an toàn trước khi bán ra thị trường.

Là một trong những doanh nghiệp có thương hiệu về sản xuất rau an toàn, tuy nhiên, thông tin về lô dưa Bạch Long của Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất nông nghiệp VĐ (gọi tắt là công ty VĐ) ở xã Kinh Long (Tam Dương) có dư lượng thuốc BVTV khiến nhiều người dân e ngại. Điều đó đã ảnh hưởng ít nhiều tới thương hiệu và uy tín của công ty. Tuy nhiên, đi sâu vào vụ việc mới thấy, doanh nghiệp này mặc dù thực hiện tốt các quy trình sản xuất rau an toàn, tuy nhiên lại xem nhẹ công tác kiểm soát "đầu vào"," đầu ra" và lập hồ sơ, sổ sách theo dõi việc sử dụng thuốc BVTV. Do đó, doanh nghiệp đã mất đi cơ hội chứng minh rau của mình là an toàn. Mặc dù, đến nay cơ quan chức năng không đủ cơ sở để kết luận lô dưa Bạch Long trên có phải là của VĐ hay không. Bởi, nhiều khả năng khâu trung gian cố tình nhập hàng không rõ nguồn gốc để trà trộn vào lô hàng của VĐ thì trước mắt, uy tín của VĐ sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rau an toàn, công tác lập hồ sơ theo dõi việc sử dụng thuốc BVTV là rất quan trọng và đây cũng là một trong những yếu tố then chốt giúp các công ty giữ vững thương hiệu quả mình.

Qua nắm bắt thông tin và tìm hiểu thực tế cho thấy: Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất nông nghiệp VĐ sản xuất rau an toàn được khoảng 5 năm nay. Vào đầu năm 2016, Công ty VĐ đã chuyển địa điểm sản xuất rau an toàn từ thị trấn Gia Khánh (Bình Xuyên) về xã Kinh Long (Tam Dương). Tại đây, công ty đã thuê lại gần 3ha đất nông nghiệp của người dân địa phương để sản xuất rau an toàn. Dựa vào đơn đặt hàng, Công ty VĐ sẽ nhập các loại hạt và cây giống về trồng. Hiện nay, cây trồng chủ đạo ở công ty là: Dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, dưa Bạch Long và các loại rau, củ...

Là rau, củ, quả an toàn nên giá thành sản phẩm của Công ty VĐ thường cao gấp 1,5 lần so với giá bán mặt hàng này trên thị trường. Địa bàn cung ứng sản phẩm chính của VĐ là thành phố Hà Nội. Trung bình mỗi vụ, Công ty VĐ cung ứng cho các doanh nghiệp thu mua khoảng 25-30 tấn rau, củ, quả các loại. Thăm quan mô hình sản xuất của Công ty VĐ, chúng tôi ghi nhận doanh nghiệp đầu tư khá nhiều kinh phí cho khu nhà kính, nhà lưới trồng rau để hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc BVTV trên cây trồng. Cùng với đó, công ty còn khoan 4 giếng nước tại các chân ruộng để phục vụ việc chăm sóc cây. Nước giếng khoan sau khi được bơm lên đều chạy qua hệ thống lọc và tưới bằng phương pháp nhỏ giọt để kiểm soát được lượng nước và phân bón. Các mẫu đất, mẫu nước đều được công ty mang đi giám định và có kết luận đủ điều kiện để trồng rau an toàn. Đối với phân bón, Công ty VĐ sử dụng các loại có trong danh mục được Nhà nước quy định, thực hiện tốt thời gian cách ly theo đúng hướng dẫn, khuyến cáo của nhà sản xuất...

Trở lại vụ việc lô dưa Bạch Long của Công ty VĐ có dư lượng thuốc BVTV được biết: Trong tháng 6/2016, Công ty VĐ đã xuất 50 kg dưa Bạch Long cho Công ty Cổ phần thực phẩm Lý Tưởng Việt (Hà Nội). Đây là doanh nghiệp thường xuyên đặt hàng của Công ty VĐ và xuất bán cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch hoặc các shop hoa quả sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đợt kiểm tra đột xuất các mặt hàng rau, củ, quả, lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã phát hiện 1 số quả dưa Bạch Long có dư lượng thuốc BVTV.

Trao đổi vấn đề này ông H.V.S, Giám đốc Công ty VĐ khẳng định: Qua nhiều năm sản xuất rau an toàn công ty luôn nắm vững các kiến thức và thực hiện nghiêm quy trình trồng trọt. Bên cạnh đó, trước mỗi lô hàng chuẩn bị xuất đi, phía đối tác đều yêu cầu công ty lấy mẫu sản phẩm mang đi kiểm nghiệm. Sản phẩm có đạt tiêu chuẩn mới được xuất ra ngoài thị trường.

Mặc dù thực hiện tốt các quy định về ATTP, song ông S cũng thừa nhận từ trước đến nay công ty chưa thực hiện tốt việc kiểm soát chặt chẽ "đầu vào", "đầu ra" đối với sản phẩm. Đặc biệt, doanh nghiệp chưa lập hồ sơ, sổ sách theo dõi việc sử dụng thuốc BVTV và nhật ký mua bán hàng hóa do đó Chi cục QLCL Nông, Lâm sản và Thủy sản không truy xuất được nguyên nhân dư lượng thuốc BVTV trên lô dưa Bạch Long. Việc không truy xuất được nguyên nhân đồng nghĩa với việc không thể kết luận lô dưa Bạch Long kia có phải của Công ty VĐ không. Mặc dù vậy, uy tín của VĐ qua vụ việc trên cũng bị ảnh hưởng ít, nhiều.

Thực tế, không chỉ Công ty VĐ mà nhiều doanh nghiệp, cá nhân hiện nay chưa có thói quen lập hồ sơ, sổ sách theo dõi việc sử dụng thuốc BVTV và nhật ký mua bán hàng hóa, theo dõi thu hoạch sản phẩm... nên việc truy xuất nguyên nhân gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là lỗ hổng của doanh nghiệp trong kiểm soát và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Thông thường, nếu có hồ sơ và sổ sách theo dõi, tất cả quy trình chăm bón cây trồng sẽ được thể hiện rất rõ. Từ việc sử dụng liều lượng thuốc BVTV bao nhiêu? thời điểm phun? đối tượng cây trồng nào?... đều được ghi chép cẩn thận sẽ giúp doanh nghiệp quản lý tốt hơn, đồng thời là cơ sở pháp lý vững chắc để chứng minh nguồn rau sạch do doanh nghiệp sản xuất.

Thiết nghĩ, đây là bài học kinh nghiệm chung cho tất cả các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch nhằm góp phần giữ vững thương hiệu, uy tín trong bối cảnh kinh tế thị trường đang trên đà hội nhập hiện nay.

Theo: Báo Vĩnh Phúc